Saturday, February 19, 2011

Mấy Đặc Điểm Về Người Quảng Nam

(Theo ‘Mấy lời gợi nhớ quê hương’ phát biểu
 nhân ngày “Đồng Hương Hội NgộTết Giáp Thân 2004” tại San José)
Phan Thiệp

Trước kia danh xưng Quảng Nam chỉ một vùng đất rộng từ đèo Hải Vân đến hết tỉnh Phú Yên. Đến năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, mới chính thức có “tỉnh Quảng Nam” của chúng ta với lãnh thổ từ Hải Vân quan đến giáp ranh Quảng Ngãi.<!--Read more-->
Nhưng năm 1888 vua Đồng Khánh lại cắt thành phố Đà Nẵng nhường cho Pháp trực tiếp cai trị. Năm 1962, tổng thống Ngô Đình Diệm cắt 3 quận Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước lập thành tỉnh Quảng Tín. Ngày nay chính quyền cộng sản cắt một phần đất Hoà Vang từ Hải Vân đến Quá Gián nhập vào Đà Nẵng và nhập Quảng Tín vào Quảng Nam đặt tỉnh lỵ tại Tam Kỳ.
Tuy có sự chia cắt như thế vì lý do chính trị, hành chánh hay an ninh của nhà cầm quyền từng thời kỳ, người Quảng Nam ở đâu, thời nào cũng vẫn là người Quảng Nam và giá trị lịch sử, tài sản tinh thần của Quảng Nam vẫn là của chung.

Ở đâu người Quảng Nam chúng ta vẫn cùng chung hãnh diện là dân của đất “địa linh nhân kiệt” với những nhà cách mạng ái quốc lừng danh có tên kỷ niệm ở các đô thị khắp nước Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Dư, Nguyễn Dục, Tiểu La, Trần Quí Cáp, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Thái Phiên vân vân, với những nhà văn nổi tiếng như Phan Khôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, vân vân.  Dù ở Nam Ô sát Hải Vân quan, hay An Tân giáp ranh Quãng Ngãi, ở Tiên Đỏa trên bờ biển hay Trà My cận Trường Sơn, chúng ta đều cùng hãnh diện là dân xứ “Ngũ Phụng”. Năm sĩ tử Quảng Nam cùng đỗ hàng đầu trong cùng một khoa thi, với ba tiến sĩ và 2 phó bảng, tự nó thật xứng đáng với biểu tượng năm con phượng hoàng cùng bay. Năm cụ đã lập được một kỳ tích trong khoa trường chứng tỏ tinh thần hiếu học của dân Quảng Nam. Dân Quảng Nam hiếu học thật vì sau đó bốn học trò Quảng Nam khác đồng đỗ Phó bảng khoa thi năm 1901 được truyền tụng là Tứ Kiệt và ba người nữa nối nhau đỗ thủ khoa trong 3 kỳ thi hương liên tiếp 1894, 1900 và 1903, được khen ngợi là Tam Hổ.
Dù trong chúng ta, kẻ ở miền biển, người ở miền núi, kẻ ở thành thị, người ở thôn quê, không phải ai cũng phát âm “thắc mắc” ra “théc méc”, đồng bào các tỉnh khác đều cho rằng chúng ta hay “théc méc” và coi đó như là một đặc tính tiêu biểu của chúng ta. Nghe người khác nhại giọng mình, chúng ta không thích, trừ trường hợp thân thiết đùa cợt, nhưng quả thật người Quảng Nam chúng ta hay thắc mắc, hay cãi.
 “Théc méc” không chỉ tiêu biểu cho giọng nói mà còn tiêu biểu cho tánh tình. Chúng ta thắc mắc vì không chịu ai nói chi nghe nấy mà phải hỏi cho ra lẽ. Nếu chưa được giải thích vừa ý thì hỏi, hỏi nữa và cãi lại để trình bày ý kiến khác của mình.
Có lẽ người Quảng Nam có tiếng hay cãi là do cụ Phan Khôi. Cụ là người nổi tiếng “hay cãi” trên văn đàn cả nước. Cụ đã hùng hồn “cãi” lại thuyêt duy vật của nhà văn Mác xít Hải Triều và cụ đã “cãi” với các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim … về Nho giáo, về giá trị luân lý của truyện Kiều.
Cãi lại thuyết duy vật là quá đúng, ngày nay ai cũng thấy rõ.  Còn truyện Kiều là một tác phẩm văn chương tuyệt tác. Nhưng giá trị luân lý của nó thì tùy quan niệm của mỗi người.  Cụ “cãi” có lý luận vững vàng được mệnh danh là “Lý luận Phan Khôi”.
Người Quảng Nam ta thắc mắc và hay cãi cũng vì có ý kiến mới, và thích cái mới. Giữa lúc các thể thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát vân vân với niêm luật, vần điệu chặt chẽ đang thịnh hành, chính cụ Phan Khôi một người uyên thâm nho học, đã phá khuôn khổ cũ làm bài thơ mới Việt Nam đầu tiên,  bài “Tình Già”.
Vì nhiệt tâm đổi mới, đổi mới xã hội để thoát vòng nô lệ, ba anh em họ Nguyễn Tường Cẩm Phô là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long đã dùng văn tài lỗi lạc để viết sách, ra báo đả phá tệ đoan, hủ tục, đã tạo ra ba nhân vật Bang Bạnh, Lý Toét, Xã Xệ để chế giễu, công kích giới quan quyền phong kiến hủ lậu mà hống hách của chế độ quân chủ.
“Hay cãi” còn là đức tính của người cương trực, dám nói. Dân Quảng Nam vốn có đức tính đó, đã từng được vua nhận xét là “ngạnh trực cảm ngôn” nghĩa là cứng cỏi, ngay thẳng dám nói. Người Quảng Nam tiêu biểu về tính cương trực dám nói là cụ Phan Châu Trinh.


Dưới chế độ quân chủ, khi vua lâm triều các quan phải lạy, không ai dám viết đúng, đọc đúng tên tộc của vua. Nhưng cụ Phan Châu Trinh ngang nhiên gửi thư cho vua Khải Định xưng là “Trinh gửi thư cho Bửu Đảo”, tên tộc của vua Khải Định, để hạch ra bảy tội của vua. Đó là bức thư  “Thất điều” nổi tiếng.
Tánh tình ngay thẳng khẳng khái của người Quảng Nam không chỉ bộc lộ qua lời nói mà còn thể hiện qua hành động. Tiêu biểu là tổng đốc Hoàng Diệu không giữ được thành thì anh dũng tự ải chết theo thành. Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư dứt khoát từ quan lên núi tổ chức Nghĩa hội chống Pháp. Trần Cao Vân, Thái Phiên mạo hiểm thuyết phục vua Duy Tân bỏ ngai vàng lãnh đạo cuộc Duy Tân khởi nghĩa. Trần Quí Cáp, Phan Thúc Duyện, Huỳnh Thúc Kháng hiên ngang cổ vũ phong trào canh tân tự cường, dấy lên những cuộc dân chúng biểu tình kháng sưu để rồi kẻ bị đày Côn đảo, người bị chém ngang lưng. Tiểu La Nguyễn Thành hội với Phan Bội Châu và các nhà ái quốc khác ngay tại nông trang của mình lập Việt Nam Duy Tân hội, đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để xuất dương cầu viện. Châu Thượng Văn Hội An, Đỗ Đăng Tuyển Ô Gia chống Pháp bị tù, kẻ cương quyết tuyệt thực đến chết, người thà chết ngậm miệng không khai.
Người Quảng Nam chúng ta đôi khi còn nghe các bạn ngoại tỉnh thân mật giễu cợt qua câu thơ biến thành ca dao “Học trò trong Quảng ra thi –Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Điều này có thể đúng vì người Quảng Nam chúng ta rất giàu tình cảm, chứ  đất Quảng Nam không thiếu gái dung hạnh vẹn toàn. Cô gái hái dâu họ Đoàn ở làng Thanh Chiêm, đã được chúa Sãi cầu hôn cho công tử Nguyễn Phước Lan và rước nàng về phủ chúa. Từ đây cô gái hái dâu Quảng Nam được phong làm phi, rồi hoàng hậu và sanh ra chúa Nguyễn Phước Tần tức là chúa Hiền. 
      
 Có chung di sản tinh thần, cùng chung đặc tính, người Quảng Nam rất dễ khăng khít với nhau, nhất là khi xa quê hương, nên đã có rất nhiều hội đồng hương. Riêng ở Hoa Kỳ chúng ta có các hội đồng hương ở Washington State, Virginia, Massachuaetts, Dallas-Fort Worth, Virginia…. Riêng một tiểu bang Cali có đến hai hội đồng hương Nam Cali, và Bắc Cali.
        Tiền nhân đã cho dân Quảng Nam di sản tinh thần quí báu để hãnh diện, dân Quảng Nam cố gắng luôn luôn xứng đáng là người dân của đất “Địa linh nhân kiệt” của xứ “Ngũ Phụng Tề Phi”.

Phan Thiệp
 Thưa quí độc giả,
Tỉnh Quảng Tín thành lập năm 1962 gồm có 5 quận: Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hậu ĐứcHiệp Đức. Trong bài "Mấy Đặc Điểm Về Người Quảng Nam" của tôi thiếu 2 quận Hậu Đức và Hiệp Đức.
Hai quận này do Tổng thống Ngô Đình Diệm lập thêm. Quận Hậu Đức gồm một số xã vùng Trà My. Quận Hiệp Đức gồm một số xã vùng Phước Sơn.

Ông Ngô Tấn Cúc đã cho biết có sự thiếu sót này.
Vậy tôi xin ghi thêm vào đây, và xin cám ơn ông Ngô Tấn Cúc.

Phan Thiệp

1 comment:

  1. Tình người xứ Quảng
    http://nguoiquangngai.vn/4rum/forums/tinh-nguoi-xu-quang.241/

    ReplyDelete