Wednesday, October 29, 2014

Thông Báo Về Đặc San Xuân 2015 của HDH/ Quảng Đà Bắc Cali




V/v phát hành Đặc San Quảng Đà Bắc Cali nhân dịp Tất Niên Giáp Ngọ.

Thể theo đề nghị của Anh Hội Trưởng và được toàn thể Quí vị trong Ban Tham Vấn và Chấp Hành, Tổ Chức, Hội Đồng Hương Quảng Đà Bắc Cali, khuyến khích và chấp thuận, nên Hội sẽ cho phát hành một tập Đặc San mang chủ đề Xuân Nhớ Quê Hương (có thể thay đổi Tiêu đề) để làm Quà tặng kỷ niệm, nhân ngày Tất Niên cũa Hội, 20 tháng Chạp năm Giáp Ngọ, Tân Niên 2015.
Nội dung đặc san gồm những bài viết thuộc các thể loại Văn, Thơ, Truyện, bút ký, phóng sự phản ánh những sinh hoạt của Hội, những tình cảm cộng đồng, cá nhân, của những người con Đất Quảng sau Bốn Mươi Năm mất nước, lưu vong trên xứ người, nhưng vẫn không quên Cội Nguồn, luôn hướng về mảnh đất quê nghèo "Chưa mưa đà thấm" với những tai ương lụt lột hàng năm và những bà con nghèo khó vẫn còn bị đoạ đày đưới bàn tay tàn ác của nhà cầm quyền cộng sản.

Kính mời Quí Vị trong Ban Tham Vấn, Ban Điều Hành và Tất cả Đồng Hương,Thân hữu cùng tham gia Sáng Tác..,
Bài đóng góp xin được gửi về cho ban Báo chí trước ngày 12/25/2014 để kịp in ấn (trong dịp Tết các nhà in rất bận rộn).
Xin chuyển bài bằng email về : tammytran9@yahoo.com , ngapct@gmail.com , macpdinh@yahoo.com , leminhmong@yahoo.com (ghi d/c cả bốn người trong phần To 
Chân thành cám ơn và kính thông báo,
Tm.Ban Báo Chí/HDH/QD 
mạc phương đình  

Monday, October 13, 2014

Hoa Nắng Vườn Em - Thơ Lê Cẩm Thanh - Nhạc Nguyễn Túc - Ca sĩ Tô Hà

Vùng Đất Hội An đang có nguy cơ trượt dài ra biển - Lê Đình Dũng

Có mặt tại bờ biển Hội An dọc Cửa Đại lên đến gần huyện Điện Bàn, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển đang xâm thực dữ dội vào bờ biển thành phố cổ này. Người dân cho biết, chỉ trong 3 ngày gần đây, biển đã ăn sâu vào đất liền vài mét.
Từ bờ biển dọc bãi tắm công cộng Cửa Đại xuống tới khu du lịch Victoria, hằng ngày, dù trời nắng, sóng biển vẫn đánh vào bờ dữ dội.
 Theo ông Dũng, 7 năm biển đã lấn vào bờ biển Hội An 150m. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Trần Trung Đạo Ra mắt cuốn Chính Luận, tại San José - California

Chiều hôm qua, Chủ nhật 10/12/2014 một buổi Ra mắt sách của Nhà văn, Nhà Thơ trẻ Quảng Nam : Trần Trung Đạo với tác phẩm Chính Luận, được Anh Hội Trưởng Quảng Đà Bắc Cali phối hợp cùng các Nhà báo, Thân hữu tại địa phương tổ chức tại Hội Trường trường Trung học Yerba Buona thuộc thành phố San Jose.
Trước đây hơn mười năm cũng tại nơi này, tác giả Trần Trung Đạo đã Ra mắt sách với số lượng người tham dự rất đông, nhưng rất tiếc chiều hôm qua lại trùng với một buổi ca nhạc gây quĩ cho Chùa gần đó, với một giàn ca sĩ chuyên nghiệp từ Miền Nam đến, nên đã thu hút hết lượng khách, chi còn có khoảng trên dưới Một trăm khán giả đến với Anh.
Sau đây một số hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được xin chia xẻ đến cùng Quí Vị và Các Bạn,






​Phần Youtube tiếp đây :
http://youtu.be/-B1DtHU-CPY
http://youtu.be/Ed3eUwzbU2s
http://youtu.be/mS_JwljadTY
http://youtu.be/-iy5pO1TToo
http://youtu.be/x_NUj7M4CKI
http://youtu.be/RiTGIoKSOGE
Thân ái,
mpd.

Saturday, October 4, 2014

Trần Trung Đạo: Tuổi con thoi


(Với bác Lữ Lan tại DC, 13-9-2014)

Hôm 13 tháng 9 ở Washington DC, có một bạn đọc tham dự buổi ra mắt sách hỏi tôi “tuổi con gì” nhưng vì bận trả lời câu hỏi của nhà văn Trương Anh Thụy nên không kịp trả lời, và sau đó lại quên đi. Nếu không quên,  tôi đã trả lời, “thưa tôi tuổi con thoi”.

Thật vậy, sau thời Vietnet 1990, bạn bè mỗi người chọn một cách sinh hoạt thích hợp cho mình. Có người lập ra tổ chức riêng và cũng có người tham gia tổ chức, đảng phái đấu tranh có sẳn từ trước. Nói chung, phần lớn tập trung theo đuổi một hướng đi mang tính tập thể. Thỉng thoảng anh em gặp nhau, nói chuyện dăm câu hay đàn hát vài bài, rồi ra đi ai làm việc nấy.

Tôi vẫn một mình, không tổ chức và không đảng phái. Mấy chục năm làm con thoi giữa nhiều thế hệ. Tôi tham gia hầu hết trại hè thanh niên, sinh viên và cũng tham gia rất nhiều sinh hoạt cộng đồng nơi thành phần tham dự  đa số là những vị tóc đã bạc màu. Tôi đi khắp nơi để làm chiếc cầu cảm thông giữa hai thế hệ. Nhiều khi không dễ dàng và ngay cả chiếc cầu có khi cũng chịu nhiều trách móc. Không sao, chiếc cầu đã già đi theo năm tháng nhưng chưa gãy đổ.

Thực tế là vậy. Một sinh viên gốc Việt Nam lớn lên trên nước Mỹ, Úc, Đức làm sao hiểu được niềm u uất, hờn căm của những người đã phải chịu đựng nhiều năm trong các nhà tù CS. Tương tự, các bác HO không thể hiểu hết được những khát vọng hồng, những ước mơ xanh trong tâm hồn các thế hệ trẻ Việt Nam. Cả hai có thể cùng hô một khẩu hiệu “tự do, dân chủ”, cùng nói về “nhân quyền, cơm áo” cho nhân dân Việt Nam nhưng chưa hẳn đã hiểu những khái niệm đó trong cùng một cách giống nhau. Những ngày tháng đó thật khó khăn vì internet chưa phổ biến và cộng đồng người Việt chưa để ý nhiều đến các vấn đề biển đảo.

Trong buổi giới thiệu sách vừa qua ở Washington DC, tôi rất mừng khi các thế hệ cha chú đã đến với mình. Nhiều trong số họ là những người một thời mang trọng trách với sự thịnh suy của đất nước. Hầu hết nay đã vào tuổi 80.

Bác Lữ Lan phát biểu với phái viên Thanh Trúc của SBTN sau khi đọc xong Chính Luận mà ông mua từ Amazon “Đêm qua tôi thao thức, thế là qua từng trang, từng chương của cuốn sách này, và điều ước mong của chúng tôi là tất cả cộng đồng quốc gia mình phải xem qua cuốn sách này. Tại vì đất nước mình đã chịu nhiều thê thảm bao nhiêu quá lâu đời và bây giờ tôi cũng chưa thấy có dấu hiệu trong cộng đồng mình từ ngoại quốc cũng như trong nước có sự cải tạo tư tưởng để mình có thái độ thích nghi với hoàn cảnh. Ai cũng thấy địa ngục Việt Nam càng ngày càng trầm luân hơn. Tôi mong rằng đây là lời cảnh báo cuối cùng của tác giả Trần Trung Đạo. Quý vị nên đọc cuốn sách này và mỗi người sẽ tự chọn cho mình một thái độ thích nghi”.

Nghe bác nói, tôi chợt thấy sức sống diệu kỳ của dân tộc và cảm thấy đôi vai mình chợt nặng hơn khi nghĩ đến các thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai. Chưa quen trước hay gặp bác lần nào và bác Lữ Lan đến chưa hẳn chỉ vì tôi. Bác đến vì trách nhiệm.  Thế nhưng, trách nhiệm đối với sự thịnh suy của đất nước Việt Nam, tương lai của dân tộc Việt Nam không chỉ phải đặt trên vai của những người lãnh đạo VNCH hay cựu quân nhân viên chức VNCH trước 1975, không phải đặt trên vai của những người Việt Nam ở lại trong nước hay ra đi ngoài nước mà là của tất cả những người mang dòng máu Việt Nam.

Các chú bác không ban cho tôi chức vụ, bỗng lộc nhưng ban cho tôi ơn phước của tổ tiên, niềm tin vào lịch sử và những lời khuyến khích chân thành.

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có lúc êm đềm và cũng lắm khi ghềnh thác nhưng không bao giờ ngưng chảy. Lịch sử là vũ khí, là hành trang căn bản trong hành trình tranh đấu cho tự do dân chủ, cũng như để xây dựng đất nước sau nầy. Lịch sử là niềm tin. Niềm tin không thể mua bán. Niềm tin không thể nghe theo. Niềm tin không thể giả dối. Mỗi chúng ta phải tạo dựng niềm tin cho chính mình bằng suy nghĩ và cảm nhận của cá nhân mình. Những người nhắm mắt làm theo, nhắm mắt đi theo không bao giờ đi trọn con đường được. Họ chỉ có thể đi trên những đoạn đường bằng phẳng không gai góc nhưng một khi có ghềnh thác hiểm nguy họ sẽ là những người đầu tiên bỏ cuộc. Niềm tin là tự nguyện. Không ai cho chúng ta vay mượn niềm tin. Lịch sử dân tộc cho thấy mọi sự vay mượn đều dẫn đến lệ thuộc. Lệ thuộc vật chất thì còn có thể thoát ra nhưng lệ thuộc niềm tin, lệ thuộc tinh thần sẽ dẫn đến nô lệ, vong thân, rất khó mà thoát ra được.

Giờ này các chú bác lẽ ra đang an hưởng tuổi già bên con cháu hay đang nhàn hạ trong một khu tịnh dưỡng dành cho bậc cao niên.  Nhưng không.  Các chú bác vẫn  đến dù hôm đó phải đi trong mưa gió. Các chú bác tặng tôi một món quà quý giá, đó là trách nhiệm của thế hệ. Ngày mai tôi lại đi và hành trang của tôi cũng chỉ có thế. Cám ơn các chú bác đã cho con niềm hy vọng Việt Nam.

Trần Trung Đạo

Số phận một loài chim - Trần Trung Đạo

 
image

Giới thiệu: Tại sao tuổi trẻ Hong Kong đứng dậy mà tuổi trẻ Việt Nam lại không ? Bởi vì, ngoại trừ một số rất ít thoát ra được, nhận thức của đa số tuổi trẻ Việt Nam vẫn còn bị đầu độc bởi một hệ thống giáo dục ngu dân, lạc hậu, tẩy não. Nếu cần so sánh, nên so sánh tuổi trẻ Việt Nam với tuổi trẻ Bắc Hàn thay vì với tuổi trẻ Hong Kong. Hai cơ chế chính trị tại Bắc Hàn và Việt Nam ảnh hưởng đến đời sống của các em bé Bắc Hàn và Việt Nam về căn bản vẫn giống nhau. Cả hai cơ chế chính trị đều nhằm ngặn chặn mọi suy nghĩ độc lập và hủy diệt mọi khả năng phản kháng của con người. Bài viết dưới đây được viết đúng 10 năm trước, một lần nữa xin chia sẻ cùng các bạn.

Cách đây không lâu. Anh chủ nhiệm của một tờ báo địa phương đến thăm và nghe các con tôi nói chúng thích nuôi thú vật kiểng (pet). Lần sau anh trở lại với một chiếc lồng và hai con chim nhỏ để tặng các cháu. Anh dặn kỹ:
"Chim này chỉ nuôi trong nhà, đem ra ngoài gió chúng sẽ chết."Tôi thật không tin. Chim là phải bay nhảy chứ làm gì ngay cả gió cũng sợ. Tôi đến một tiệm bán chim hỏi lại. Bà chủ tiệm cũng đồng ý với anh chủ nhiệm:
"Đây là loại chim được sản xuất theo lối công nghiệp chứ không phải chim sinh nở tự nhiên. Nếu đem ra ngoài trời, chúng sẽ chết vì không thích hợp với môi trường."
Tôi đành giữ kỹ chim trong nhà. Vài hôm sau, một người bạn cùng quê của tôi tới thăm. Anh nghiêm chỉnh khiển trách:
"Mày là Phật tử mà bỏ tù sinh vật. Người ta chẳng ví cảnh tù đày như cá chậu chim lồng đó sao. Phải thả chúng bay đi."
Tôi thật khó xử, vừa cảm thấy việc "bỏ tù sinh vật" là không nên làm nhưng thả bay đi chúng sẽ chết. Tôi phân trần với anh:
 
image
"Đây là chim công nghiệp, đem ra ngoài chúng sẽ chết, và thả bay đi chúng càng chết nhanh hơn."
Anh bạn Quảng Nam đáp:
"Nếu chúng chết thì chúng sẽ trọn nghiệp vì biết đâu kiếp sau chúng sẽ là những con chim tự do."
Tôi chưa hẳn đồng ý với cách cãi của anh ta nhưng phải công nhận việc tôn trọng tự do của mọi sinh vật là đúng, nên viết thư về Việt Nam hỏi ý một vị Đại Đức ở Hội An. Thầy trả lời theo lối "vạn sự do tâm":
"Chim công nghiệp vẫn là chim. Nếu môi trường xấu làm cho chúng xấu đi thì môi trường tốt sẽ làm cho chúng tốt trở lại. Hãy tập cho chúng quen dần, từng bước và khi chúng hoàn toàn quen thuộc với môi trường bên ngoài thì phóng sinh chúng đi."
Tôi cho đó là giải pháp hợp lý. Rất tiếc tôi lại quá bận để tập cho chim quen với thiên nhiên, bèn tặng chúng cho người em và dặn chú ấy tập cho chúng quen dần với đời sống bên ngoài, định bụng khi chúng hoàn toàn làm quen sẽ bàn với chú em làm lễ phóng sinh.
Tháng sau tôi trở lại nhà người em nhưng không thấy chim. Chưa kịp hỏi, chú em trả lời:
"Chẳng giấu gì anh, ngày nào em cũng đem chim ra vườn tập. Chúng tiến bộ lắm. Chúng rất thích cảnh thiên nhiên. Vừa thấy cảnh cây lá sum sê là chúng kêu ríu rít lên ngay. Tuần trước, trong lúc em để chúng trên sân sau, chạy vào nhà trả lời điện thoại, khi trở ra thì chỉ còn mấy cái lông rơi rớt bên cạnh chiếc lồng vỡ nát và con mèo của hàng xóm đang nhảy sang bên kia hàng rào.''
Tôi an ủi chú em theo lý luận của anh bạn Quảng Nam:
"Hai con chim đó đã trọn nghiệp trong kiếp này, hy vọng đời sống sau, chúng sẽ làm chim của núi rừng tự do thay vì làm kiếp chim công nghiệp."
image


Mỗi khi nhớ đến câu chuyện hai con chim, tôi lại ngậm ngùi nghĩ đến số phận của các em bé Bắc Hàn. Cuộc đời của các em không khác gì những con chim công nghiệp kia. Ngay khi các em ra đời, các cơ chế chính trị và xã hội đã được chuẩn bị sẵn để các em sống, suy nghĩ và hành động một cách thích nghi.
Tương tự như môi trường dành cho loại chim công nghiệp, cơ chế chính trị Bắc Hàn được xây dựng và tồn tại bằng niềm tin tuyệt đối nơi lãnh tụ của họ. Trong cơ chế đó sự nhầm lẫn, hoài nghi dù hợp lý đều không được cho phép tồn tại.
Trong buổi phỏng vấn dành cho tuần báo Time, người cận vệ của Kim Chính Nhật đào thoát nhắc lại câu chuyện của một người lái xe vô tình chạy lạc vào khu vực dinh thự của Kim Chính Nhật. Sau khi thẩm vấn anh tài xế, đám cận vệ của Kim Chính Nhật đều đồng ý rằng anh ta thật sự đi lạc. Tuy nhiên cách giải quyết họ chọn trong trường hợp đó là bắn chết anh ta ngay tại chỗ. Gia đình anh tài xế được thông báo rằnganh đã "đền nợ nước" và thưởng công cho gia đình một cái tủ lạnh.
Nhiều câu chuyện, đối với người sống bên ngoài bán đảo Bắc Hàn, có thể là chuyện hoang đường đến độ buồn cười, nhưng với người dân Bắc Hàn lại là chân lý, đúng như một nhà thơ Việt Nam có lần đã định nghĩa:
"Chân lý là đường Đảng đã vạch ra và sự thật là gì Đảng đã dạy ta."
image
Giờ sinh của Kim Chính Nhật, con trai Kim Nhật Thành và là đương kim lãnh tụ Bắc Hàn, được mô tả trong giáo trình tiểu học:
"Lãnh Tụ Kính Yêu sinh ra trong một căn cứ quân sự bí mật bên rặng núi thánh Paektu-san (Bạch Đầu Sơn), lúc Người ra đời một có hai cầu vồng rực rỡ và một ngôi sao sáng hiện ra trên nền trời" (Người dân Bắc Hàn gọi Kim cha là Lãnh Tụ Vĩ Đại hay Lãnh Tụ Vĩnh Cửu và Kim con là Lãnh Tụ Kính Yêu).
Thật ra làm gì có căn cứ quân sự nào, chẳng trên núi thánh nào và lại càng không có chuyện thần thoại như hai vòng cầu vồng ngũ sắc hiện ra trong giờ Kim Chính Nhật giáng trần.
Theo sử liệu của Sô-Viết cũ, anh chàng Kim Chính Nhật sinh ra trong một đồn lính nhỏ hẻo lánh ở Siberia vì cha anh ta làm lính cho Stalin sau khi trốn khỏi Mãn Châu.
Một mẩu chuyện khác về Kim Chính Nhật:
image


"Mặc dù trước kia chưa bao giờ chơi gôn (golf), khi cầm cây gôn lần đầu Lãnh Tụ Kính Yêu đã đánh trúng ngay 5 lỗ một lần."
Và nữa, "Một lần nọ, Lãnh Tụ Kính Yêu đến kiểm tra súng của một đơn vi quân đội và trước mặt binh sĩ Người đã rút súng bắn trúng ngay mắt trái của mười con bò rừng."Kim Chính Nhật không phải là người thường, trong ý thức của người dân Bắc Hàn, anh chàng là hiện thân của một thiên thần. Chàng ta tuy chưa bao giờ đi lính một ngày nhưng được gọi trong sách là "Tướng Trời". Tại Bắc Hàn, ngay cả chiếc khăn để lau tấm ảnh của hai cha con họ Kim cũng không được phép dùng để lau các đồ vật khác trong nhà. Giống như những con chim công nghiệp, các em bé Bắc Hàn cũng líu lo mỗi sáng, nhưng nếu ai lắng tai nghe, bài hát các em hát trong giờ vào lớp luôn bắt đầu bằng câu: "Hoa nở nhờ có không khí và các em cười nhờ ơn của Kim Lãnh Tụ Vĩ Đại."
Học sinh Bắc Hàn được dạy phải "yêu tổ quốc và yêu đồng bào" nhưng tổ quốc của em được mô tả trong sách vở không phải là một quốc gia nghèo đói, cô lập với thế giới bên ngoài mà một thiên đường trên trái đất dưới sự lãnh đạo anh minh của Kim Lãnh Tụ. Trong các ví dụ được dùng ở trường học, từ văn chương đến toán học, cuộc đời và sự nghiệp của hai cha con họ Kim luôn được dùng để ví những điều tốt đẹp và "đế quốc Mỹ xâm lược" luôn được dùng để ám chỉ những điều xấu xa tội lỗi nhất trên đời.
image

Sinh viên học sinh Bắc Hàn rất kiêu căng khi nói về lịch sử và dân tộc Triều Tiên vì một lý do đơn giản, ngoài những câu chuyện tuyên truyền được dạy ở trường, họ không biết gì về lịch sử loài người và cũng không biết đúng về lịch sử của tổ tiên họ. Và với một môi trường như thế, nhiều thế hệ người dân Bắc Hàn, hơn nửa thế kỷ qua đã tiếp tục sinh ra, lớn lên trong số phận một loài chim công nghiệp.
Mặc dù những mẩu chuyện trên có thể gợi lại trong ký ức của những người Việt lớn tuổi những hình ảnh, những tiếng thì thầm nghe rất quen quen, tuổi thơ Việt Nam ngày nay dù sao cũng may mắn hơn những người cùng tuổi với họ ở Bắc Hàn.
Trong lúc nhiều nơi vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, đa số tuổi thơ Việt Nam đang có một đời sống tinh thần dễ chịu hơn tuổi thơ Bắc Hàn. Bài học của thiếu nhi Việt Nam học hôm nay không đến nỗi hoang đường như của thiếu nhi Bắc Hàn và bài hát của các em bé Việt Nam hát không trơ trẽn khó nghe như những câu mà thiếu nhi Bắc Hàn dùng để ca tụng cha con họ Kim.
Hai mươi năm qua, ánh sáng bên ngoài đã theo những khe hở của "chính sách đổi mới" rọi vào căn nhà Việt Nam mang theo kiến thức mới lạ từ những phương trời khác. Qua những khe hở đó, chúng ta cũng được nghe nhiều tiếng nói chân thành vọng ra từ trong nước tương tự như chúng ta đang nghe những ưu tư trăn trở của những người Việt đang sống ở ngoài nước dù họ đã một thời lớn lên bên này hay bên kia sông Bến Hải.
Như vậy có gì giống nhau trong hoàn cảnh của hai em thiếu nhi Bắc Hàn và Việt Nam không?
image

Có chứ. Hai cơ chế chính trị ảnh hưởng đến đời sống của các em bé Bắc Hàn và Việt Nam về căn bản vẫn giống nhau. Hai con nước đềubắt nguồn từ thượng lưu sông Volga trong những thập niên năm đầu của thế kỷ 20 và vẫn còn đang chảy xiết. Cả hai cơ chế chính trị đều nhằm ngăn chặn mọi suy nghĩ độc lập và hủy diệt mọi khả năng phản kháng của con người. Quyền căn bản đầu tiên trong nghiên cứu khoa học là quyền đặt vấn đề, thế nhưng quyền đó không được tôn trọng trong hai xã hội Bắc Hàn và Việt Nam.
Hiện nay, nhiều quốc gia và hàng trăm tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, nhân đạo khắp thế giới đang tìm mọi cách để cứu giúp thiếu nhi Bắc Hàn, nhưng đồng thời, mọi người cũng đồng ý rằng, tất cả những gì họ đang làm chỉ là những biện pháp vá víu trong lúc chờ đợi một sự thay đổi toàn diện và căn bản.
image

Đúng vậy, sinh mệnh của một quốc gia không thể thay đổi bằng vài bao bột mì, hướng đi của một đất nước không thể được lót bằng dăm ba lon sữa và hạnh phúc của một dân tộc không bao giờ đến bằng sự vuốt ve an ủi từ những bàn tay thương xót bên ngoài.
Số phận của một dân tộc phải được quyết định bằng mồ hôi nước mắt, bằng những tấm lòng tận tụy với tương lai dân tộc, bằng đức tính kiên nhẫn làm việc vì đất nước của chính người dân nước đó. Và dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, nhẹ nhàng hay cứng rắn, xói mòn hay cường tập, thay đổi cơ chế chính trị vẫn là mục tiêu quyết định của mọi cuộc cách mạng xã hội.
Trần Trung Đạo
September 30, 2014